Kết quả kiểm toán năm 2010 cho thấy ‘ông lớn’ như EVN hay Vinalines vẫn túc tắc có được lợi nhuận từ các khoản đầu tư ngoài ngành. Trong khi ở các lĩnh vực chính, các doanh nghiệp này toàn "lỗ" hoặc "chưa có lãi".
>Ngân hàng quốc doanh dựa dẫm nguồn tái cấp vốn
>'Tam sao thất bản' lỗ lãi của Vinalines

Tại buổi công bố kết quả kiểm toán 2011 về niên độ 2010, Phó tổng kiểm toán Nhà nước Lê Minh Khái tự đánh giá rằng việc kiểm toán các tập đoàn, tổng công ty đã được cơ quan này đặc biệt chú trọng trong năm qua, trước những yêu cầu bức thiết của xã hội cũng như cơ quan quản lý. Kết quả của việc “làm kỹ” này là một bức tranh khá chi tiết về 21 tập đoàn, tổng công ty năm trong danh sách kiểm toán.

Theo kiểm toán, Vinalines vẫn có lãi trong năm 2010. Ảnh: Hoàng Hà
Theo kiểm toán, Vinalines vẫn có lãi trong năm 2010. Ảnh: Hoàng Hà

Điều đáng mừng theo cơ quan kiểm toán là mặc dù trong điều kiện khó khăn, vẫn có hầu hết (19) trong số những đơn vị nêu trên làm ăn có lãi. Trong số 2 đơn vị thua lỗ còn lại, nổi lên cái tên đáng chú ý là Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), với số lỗ lên tới 8.416 tỷ đồng. Đơn vị còn lại là Tổng công ty Xây dựng đường thủy, lỗ 73,5 tỷ đồng. Với Tổng công ty Hàng hải (Vinalines), kiểm toán cho biết vẫn có lãi gần 269 tỷ đồng, nhưng đã giảm tới 44% so với năm 2009.

Lỗ lãi của Vinalines qua các báo cáo

Đáng chú ý, số vốn đầu tư ngoài ngành của EVN, tính đến hết năm 2010 là hơn 4,551 tỷ đồng (chiếm 4,13% vốn điều lệ) còn của Vinalines là 672 tỷ (tương đương 10,37% vốn). Với 100 đồng đầu tư tài chính, chứng khoán, bất động sản tại thời điểm đó, cả EVN và Vinalines đều có lãi 7,8 - 8,6 đồng. Những con số này tuy không cao nhưng còn khá khẩm hơn nhiều so với ngành nghề kinh doanh chính của cả 2 doanh nghiệp.

Vốn và hiệu quả đầu tư ngoài ngành của một số tập đoàn, tổng công ty

Điện lực Hàng hải Than & Khoáng sản Xi măng
Đầu tư 4.551 672 1.829 635
Đầu tư / Vốn điều lệ 4,13% 10,37% 12,09 5,27%
Lợi nhuận* / Đầu tư 7,83 8,63% 7,94% 12,51%

(*) Chỉ tính riêng các khoản đầu tư vào tài chính - chứng khoán - bất động sản.

Đơn vị: Tỷ đồng, Nguồn: SAV

Cụ thể, với EVN, riêng lỗ từ sản xuất - kinh doanh điện năm 2010 là 10.541 tỷ đồng, lỗ do đầu tư vào EVN Telecom là 805 tỷ. Phải nhờ đến lợi nhuận tài chính cũng như các khoản lợi nhuận khác (2.930 tỷ), tổng lỗ của tập đoàn mới giảm được xuống hơn 8.400 tỷ. Tương tự với Vinalines, khoản đầu tư tài chính vẫn mang lại lợi nhuận trên 8,6% mỗi năm trong khi hoạt động đóng tàu, bất động sản được đánh giá là chưa thu được lợi nhuận, dù đầu tư đã lâu.

Cũng tham dự buổi họp báo với tư cách là một trong những cơ quan thụ hưởng chính kết quả kiểm toán, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội - Nguyễn Đức Kiên cho rằng với các ngành đầu tư vào hạ tầng, cơ khí như điện hay hàng hải thì lợi nhuận thu được cỡ 4 - 5% đã là cao. Do đó, việc lợi nhuận thu được thấp hơn so với đầu tư tài chính là dễ hiểu.

Thêm vào đó, đặt trong bối cảnh của kinh tế Việt Nam cũng như giai đoạn khó khăn của kinh tế thế giới vừa qua, việc các ngành kinh doanh nêu trên ít thu được lợi nhuận hoặc thua lỗ là điều dễ hiểu. Đơn cử như trường hợp của Vinalines, để có được cái nhìn đa chiều về kết quả kinh doanh vận tải biển, cần so sánh với những hãng tàu lớn trên thế giới như Maersk, Hanjin, NYK - vốn đều thua lỗ trong giai đoạn từ 2009 đến nay. “Những sai phạm vừa qua tại Vinalines có làm trầm trọng hơn khó khăn khách quan, nhưng không phải là nguyên nhân trực tiếp”, ông lưu ý.

Về các khoản đầu tư ngoài ngành, Tiến sĩ Nguyễn Đức Kiên cũng như đại diện Kiểm toán Nhà nước đều nhất trí quan điểm cho rằng kể từ có Luật Doanh nghiệp 2005 đến nay, pháp luật không cấm cũng như đã giao quyền tự chủ cho lãnh đạo doanh nghiệp. Tuy nhiên, trong điều kiện nhiều đơn vị đầu tư tràn lan, vào các lĩnh vực nhiều rủi ro, nảy sinh nhiều sai phạm như hiện nay, kiểm toán cũng đã có đề xuất với cơ quan chức năng và bản thân doanh nghiệp, rút dần các khoản đầu tư nêu trên, tập trung nguồn lực, đội ngũ quản lý cho ngành nghề chính.

Một vấn đề khác cũng được Kiểm toán Nhà nước lưu ý sau khi làm việc tại các tập đoàn, tổng công ty là việc hạch toán, kê khai thuế và các khoản phải nộp ngân sách tại đa số đơn vị chưa đầy đủ. Tính đến hết năm 2010, số tồn đọng, chưa nộp của các tập đoàn, tổng công ty lên tới 7.579 tỷ đồng, trong đó, kiểm toán kiến nghị tăng thu thêm 545 tỷ đồng.

Về tình hình tài chính, do điều kiện khó khăn, có tới già nửa trong tổng số 21 tập đoàn, tổng công ty hoạt động chủ yếu dựa trên vốn chiếm dụng, vốn vay. Trong đó, một số doanh nghiệp huy động, sử dụng vốn sai mục đích, có hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu cao, dễ mất an toàn tài chính: Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn (nợ gấp 9,19 lần vốn), Tổng công ty Xây dựng và phát triển hạ tầng (4,79), Tập đoàn Phát triển nhà và đô thị Việt Nam - HUD (4,01). Tại EVN, Vinalines và Tập đoàn Than - Khoáng sản (Vinacomin), hệ số này cũng lần lượt là 3,83; 3,12 và 2,15 lần.

Nhật Minh

Các tin khác
 
Hỗ trợ trực tuyến
Nhân viên kinh doanh
NV Kinh Doanh
Phone: 028 3536 8888
NV Kinh Doanh
Phone: 028 22 118 118
NV Kinh Doanh
Phone: 028 22 119 119
Chăm sóc khách hàng
NV Kinh Doanh
Mobile: 028 22 119 119
Hotline
Mobile: 0942 119 119
Email: info@alibaba.vn

Quảng cáo

Ads
Ads
Ads
Đang online :72 - Tổng truy cập : 91,351,566